Phú Yên: Triển khai trồng rừng gỗ lớn nâng cao giá trị rừng trồng

01/04/2021 03:18
 
Trồng rừng gỗ lớn: Hướng đi mới tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
Qua khảo sát, hiện nay nhu cầu sử dụng gỗ lớn trong nước rất nhiều, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nguyên liệu, còn 80% phải nhập khẩu. Diện tích rừng gỗ lớn của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 20%, 80% là rừng gỗ nhỏ. Nếu bán gỗ nhỏ, gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy giá trị chỉ đạt chừng 700.000 – 900.000 đồng/tấn, nhưng nếu gỗ (xẻ) chế biến đường kính càng cao thì giá trị càng lớn (đường kính 25 – 30cm khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/m3, đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3).

Năm 2014, cụm từ “Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn” lần đầu tiên được đưa ra tại Quyết định số 774/QĐ- BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2020 cả nước sẽ chuyển 110.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, với 2 loài cây chủ yếu là keo lai và keo tai tượng. Luật Lâm nghiệp năm 2017 khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi thích hợp.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT giao cho Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì thực hiện Dự án Trồng rừng thâm canh gỗ lớn (keo lai, keo tai tượng) và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn được thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2019 tại các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị và Cà Mau với quy mô chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 1.120 ha (trong đó 360 ha keo lai, 760 ha keo tai tượng).

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án là nhận thức của người dân. Người dân chưa tin tưởng vào hiệu quả của mô hình vì chưa có mô hình để người dân tham quan học tập. Họ cho rằng cây keo để gỗ lớn sẽ bị rỗng ruột, gặp rủi ro do bị bão gẫy đổ và kinh tế khó khăn không để được gỗ lớn, cần bán sớm để trang trải cuộc sống. Khi tiến hành tỉa thưa người dân thường có tâm lý tiếc cây, không dám chặt, rất nhiều hộ bỏ ngang khi tham gia dự án. Tâm lý của người dân thường trồng dày để thân cây thẳng, đỡ tốn công chăm sóc. Mà không biết rằng khi trồng dày, cây rừng sinh trưởng về chiều cao, hạn chế sinh trưởng về đường kính, trồng thưa cây rừng sinh trưởng mạnh về đường kính, hạn chế về chiều cao nhưng tổng sinh khối trên một đơn vị diện tích là như nhau. Như vậy muốn lấy gỗ lớn thì phải trồng thưa hoặc phải tỉa thưa để cây rừng sinh trưởng về đường kính.

Cây keo lai đạt tiêu chuẩn xuất vườn


Thực tế hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định qua mô hình chuyển hóa rừng trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn keo lai và keo tai tượng, do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn là 1.140 ha đạt 101,8% kế hoạch, tại 86 xã, 58 huyện. 451 hộ tham gia.

So với rừng trồng gỗ nhỏ năng suất bình quân không cao hơn nhưng số cây ít hơn, đường kính cây to hơn, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo lai và keo tai tượng, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt khoảng 60-80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt trên 200 m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 18 cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120 m3/ha. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân trên 22 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 1,5 - 2 lần giá trị rừng gỗ nhỏ …

Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình, mà còn hạn chế xói mòn, rửa trôi đất. Hơn nữa, chi phí đầu tư thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc.

Triển khai trồng rừng gỗ lớn tại Phú Yên
Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” trong 03 năm 2020-2022 với qui mô 150 ha, riêng trong năm 2020 triển khai trồng 40 ha tại hai xã Xuân Long và Xuân Quang 2 bằng hai giống BV75 (trồng 27 ha) và AH1 (trồng 13 ha) cho 20 hộ tham gia


 
Giao nhận cây keo lai giống tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân


Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ cây giống keo lai nuôi cấy mô và phân bón, được tham gia các lớp tập huấn về lâm nghiệp. Tổng số phân bón NPK 5:10:3 hỗ trợ cho 40 ha mô hình là 13.280 kg. Tổng sô cây giống hỗ trợ tính cả trồng dặm cho 40 ha là hơn 73.000 cây giống (khoảng cách trồng 2x3 m). Yêu cầu hộ dân tham gia mô hình ngoài diện tích đăng ký trồng rừng gỗ lớn còn có trên 02 ha đât lâm nghiệp khác để có khoản trang trải trong thời gian chờ thu hoạch rừng gỗ lớn, phải tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của dự án và phải cam kết thực hiện trồng rừng dự án trong 10 năm.

Việc xây dựng 40 ha rừng keo lai nguyên liệu gỗ lớn cũng là mô hình để các địa phương trong tỉnh đến tham quan, học tập và phát triển trong các năm tiếp theo, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh nhà.

 
Lê Thanh Tùng – Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
, Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
Quảng cáo