A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Tây Hòa: Sống khỏe nhờ nuôi lươn không bùn trong bể xi măng

Anh Đào Tấn Lai, tuổi 43, ở thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên là một trong những hộ hiện đang nuôi lươn thành công trong bể
Anh Đào Tấn Lai, tuổi 43, ở thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên là một trong những hộ hiện đang nuôi lươn thành công trong bể. Đây là mô hình đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn. Anh cho biết: Trước đây gia đình anh đã làm nhiều nghề như: Cửa sắt, thợ nề, buôn bán hàng rau củ quả ở chợ, chăn nuôi bò...,  nhưng kết quả đem lại thu nhập chưa đáng là bao. Rồi anh tự tìm tòi học hỏi chuyển sang nghề nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, giờ đây anh đã có tiền để lo trang trải cho gia đình, lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, nhà cửa được khang trang hơn
 
Kể chuyện với chúng tôi, anh Lai cho biết năm 2017 anh vào miền Nam làm thuê, tình cờ được người bạn thân hướng dẫn đến tham quan cơ sở bán lươn giống tại Đồng Nai. Qua tìm hiểu cho thấy lươn là đối tượng nuôi sống ở nước ngọt, ít bệnh tật, có sức đề kháng tốt, có thể chế biến được nhiều món ăn giàu dinh dưỡng. Nhu cầu tiêu thụ lươn rất cao vì nguồn khai thác tự nhiên ngày càng khan hiếm, từ nhiều năm qua giá lươn luôn cao và ổn định. Anh xác định đây chính là đối tượng nuôi có thể giúp “làm giàu”, sau khi tích lũy kinh nghiệm anh trở về quê khởi sự nuôi lươn không bùn trong bể xi măng.
 
Mới đầu anh mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng xây 3 bể xi măng nuôi lươn với tổng diện tích 15 m2, ­­ giữa các bể có vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cỡ sai lươn lớn và lươn nhỏ, anh còn mua 6.000 con giống ở tỉnh Đồng Nai  về thả ở 3 bể nuôi. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn, anh Lai cho biết, đáy bể nuôi lươn được lát gạch men giúp đảm bảo trơn, nhẵn, hạn chế lươn bị sây sát, thiết kế đáy bể nuôi lươn có độ dốc 5cm, có hệ thống đường ống cấp nước và thoát nước ra bên ngoài để thuận tiện trong việc thay nước liên tục trong bể nuôi lươn. Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương, đồng cỏ… nên khi nuôi lươn không bùn trong bể xi măng anh Lai đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen.
 
Ngoài khâu chọn con lươn giống ở cơ sở sản xuất giống uy tín, đều con và nhiều nhớt thì môi trường sống, nguồn nước phải đảm bảo sạch là yếu tố quan trọng để nuôi lươn thành công. Do đó, để có được nguồn nước sạch, anh Lai đã sử dụng nước giếng trước khi bơm vào bể có độ PH 6.5 -7.5, thức ăn anh mua cá tạp làm thức ăn cải thiện cho lươn, ngoài ra anh còn cho ăn trùn quế và thức ăn cám công nghiệp. Khẩu phần ăn được chia làm 2 lần trong ngày và cho ăn đúng giờ; mùa hè vào 6 giờ sáng và 6 giờ tối, mùa đông cho ăn vào 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Lượng thức ăn cho lươn cũng được anh điều chỉnh theo thời gian nuôi, kích thước của lươn để tránh thức ăn tồn đọng lại bể, gây ô nhiễm nguồn nước. “Trước khi cho lươn ăn, tôi thường tập phản xạ 4-5 phút để cho lươn thích nghi. Do đó lươn sẽ ăn được nhiều hơn, phát triển nhanh và đồng đều hơn” – anh Lai cho biết thêm.

Anh Lai thành công với mô hình nuôi lươn trong bể
 
Để tăng tỷ lệ sống và nâng cao hiệu quả khi nuôi lươn không bùn thì công tác phòng bệnh cũng được anh Lai hết sức coi trọng. Ngoài việc chọn lươn giống khỏe mạnh, thức ăn đủ dinh dưỡng, anh còn thường xuyên bổ sung Vitamin C..., khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho lươn, ngoài ra anh Lai dùng thuốc diệt khuẩn thủy sản xử lý môi trường nuôi và sử dụng men tiêu hóa trong các lần cho ăn để đề phòng các bệnh lươn hay gặp như bệnh nấm da, bệnh đường ruột.

Trong quá trình nuôi lươn không bùn, những con lươn với kích cỡ khác nhau được anh Lai phân chia ra các bể khác nhau để dễ chăm sóc. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Lai tỷ lệ sống đạt tới 97%. Bên cạnh việc mua con giống lươn về nuôi thì anh mua thêm lươn tự nhiên (lươn đồng) để thả nuôi nhằm tăng thêm số lượng lươn giống khi thị trường hiện nay đang thiếu hụt về nguồn giống.

Với diện tích hơn 15 m2,  một đợt nuôi anh đầu tư khoảng hơn 40 triệu đồng  để mua giống, mua thức ăn và các loại men tiêu hóa ...;  đến nay lươn hiện đang nuôi gần 5 tháng, còn 3-4 tháng nữa là xuất bán. Cứ một đợt nuôi, sau khi trừ hết các chi phí mua con giống và mua thức ăn cám công nghiệp và thức ăn tươi... anh thu vào lợi nhuận khoảng hơn 60 triệu đồng. Với giá bán lươn thương phẩm như hiện nay dao động từ  180 – 220 nghìn đồng/kg thì sắp tới anh Lai sẽ thu lợi nhuận rất cao từ mô hình nuôi lươn trong bể xi măng.
 
Theo ông Mai Văn Hải Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đồng cho biết: Mức thu nhập nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng như hộ anh Lai hiện nay là khá cao so với một số đối tượng thủy sản khác tại địa phương. Con lươn là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, không mất nhiều thời gian và không đòi hỏi diện tích lớn, rất phù hợp với những hộ chăn nuôi có diện tích đất nhỏ... Hiện nay một số hộ dân quanh vùng đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của gia đình anh Đào Tấn Lai để áp dụng trong gia đình.
 
Thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Lai không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình anh mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế; góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Định kỳ kiểm tra sức khỏe, tăng trọng cùa đàn lươn
Tác giả: Trần Nguyễn Lâm Viên - Trung tâm Khuyến nông

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu