A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phú Yên - hiệu quả của quá trình chuyển giao công nghệ “ nuôi tôm theo công nghệ Biofloc ” (19/08/2016)

Phú Yên - hiệu quả của quá trình chuyển giao công nghệ “ nuôi tôm theo công nghệ Biofloc ” thay thế “ công nghệ nuôi truyền thống ”
Nuôi tôm theo công nghệ truyền thống ( làm sạch môi trường bằng vi tảo ) không thể xử lý hết lượng khí độc NH3, NO2¬- … thải ra hàng ngày làm môi trường ao nuôi ngày càng xuống cấp, ô nhiễm, bệnh dịch, thua lỗ …, nghề nuôi tôm càng ngày càng khó, nhiều người dân mất phương hướng, không tổ chức sản xuất được, diện tích nuôi tôm ngày càng giảm.   Cụ thể: Xét trong một ao nuôi tôm Chân trắng có năng suất thấp: 10 tấn/ha, thức ăn sử dụng có hàm lượng đạm ( protein ) 30%, khẩu phần thức ăn 3% trọng lượng thân. 
Lượng Nitơ ( N ) cung cấp cho 1 m2 ao nuôi ( thời điểm cuối vụ ): 
1000 g tôm/m2 x 3%/ngày x 30% x 16% = 1,44 g N/m2/ngày ( 16% là lượng Nitơ có trong protein ). 
25% lượng Nitơ này được tôm hấp thụ, còn 75% thải ra môi trường, tương đương với: 75% x 1,44 g N/m2 /ngày = 1,08 g N/m2/ngày.
Trong khi đó; trong ao nuôi tôm theo công nghệ truyền thống, khả năng tảo hấp thụ Cacbon ( C ): 4 g C/m2/ngày. Trong tảo, lượng Nitơ bằng 1/6 Cacbon. Như vậy; khả năng tảo hấp thụ Nitơ trên 1 m2 vuông ao nuôi: 1/6 * 4 = 0,66 g N/m2/ngày.
Do đó; có thể thấy: Trong ao nuôi tôm theo công nghệ truyền thống, ngay khi tảo ổn định, khả năng tảo hấp thụ Nitơ cũng rất thấp so với lượng Nitơ thải ra môi trường: 0,66 g N/m2/ngày rất thấp so với 1,08 g N/m2/ngày. 
Lượng Nitơ thừa tồn lưu càng ngày càng nhiều, do các quá trình tự nhiên, nó phân hủy thành các loại khí độc: NH3, NO2 … làm môi trường ao nuôi ngày càng xuống cấp. Nền đáy ao nuôi dơ bẩn, nhiều chất độc tác động lên nước làm giảm chất lượng nước ao nuôi, con tôm dễ bị bệnh, chết hằng loạt. Một số người dân không xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đã xả thải ra bên ngoài làm bệnh tôm lây lan trên khắp vùng nuôi, vụ nuôi, đối tượng nuôi. Nếu không có giải pháp chặn đứng sớm tình hình này thì trong tương lai hậu quả xảy ra sẽ rất khó lường.
1. Chuyển giao Kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc: 
Trước thực trạng trên, để giúp người dân ngăn chặn kịp thời bệnh dịch, phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững, năm 2014 – 2015 Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Đông Hòa thực hiện sáng kiến, áp dụng vào thực tế sản xuất, nhân rộng giải pháp “ Kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc ” ( làm sạch môi trường bằng vi tảo và hệ thống Biofloc ) đạt hiệu quả cao, bền vững, tiêu biểu có thể nói đến các hộ sau:

a. Năm 2014:
- Hộ Lê Thanh Hải ở xã Hòa Hiệp Nam huyện Đông Hòa: 
Với 2 ao nuôi diện tích gần 1 ha, đầu năm 2014, ông thả nuôi 660.000 con giống tôm Chân trắng. Sau 3 tháng, thu hoạch hơn 8 tấn tôm, bình quân 78 con/kg, giá bán 130.000 đồng/kg, thu về trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí ông còn lãi 661 triệu đồng. 
- Hộ Trần Văn Sinh ở Phường 6 TP Tuy Hòa:
Với 2 ao nuôi diện tích 0,54 ha, tháng 4 năm 2014 ông thả nuôi 1 triệu con giống tôm Chân trắng. Sau 3 tháng, thu hoạch 10,4 tấn, cỡ tôm bình quân 89 con/kg, giá bán 103.000 đồng/kg, doanh thu gần 1,1 tỷ, trừ chi phí ông còn lãi 480 triệu đồng.
b. Năm 2015: Nhân rộng mô hình: Hộ Huỳnh Xuân Sỹ ở xã An Chấn
huyện Tuy An:
Từ kết quả sản xuất thực tế của các hộ thực hiện giải pháp, cuối tháng 2 năm 2015 ông mạnh dạn tổ chức nuôi tôm theo công nghệ này, với 2 ao nuôi, diện tích 0,4 ha, lượng giống thả 700.000 con giống tôm Chân trắng, sau 2,5 tháng nuôi thu hoạch 8,5 tấn, cỡ tôm 80 con/kg, giá bán 104.000 đồng/kg, doanh thu đạt 884 triệu, trừ chi phí ông còn lãi 350 triệu đồng. 
  2. Tiếp tục nâng cấp, chuyển giao Kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ Biofloc ( làm sạch môi trường bằng hệ thống Biofloc ) thay thế hoàn toàn công nghệ nuôi truyền thống ( làm sạch môi trường bằng vi tảo ): 
c. Năm 2016:  
Sau 2 năm tổ chức nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc, Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa tiếp tục triển khai thực hiện sáng kiến “ Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc ” thay thế công nghệ nuôi truyền thống đạt hiệu quả cao, bền vững. Hộ thực hiện: Ông Phan Văn Đoàn, người dân phường 6 TP Tuy Hòa, nuôi tôm ở xã Xuân Cảnh thị xã Sông Cầu. Với 2 ao nuôi, diện tích 5.800 m2, trong đó: Ao 1, diện tích: 3.000 m2, ao 2: 2.800 m2, đầu năm 2016 ông thả 600.000 con giống tôm Chân trắng, Công ty CANAVET hỗ trợ thêm 20.000 con tôm giống thả hết vào ao 1. Sau 3,5 tháng nuôi, thu được 10 tấn, cỡ tôm 60 con/kg, giá bán 140.000 đồng/kg, doanh thu: 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí ông còn lãi 550 triệu đồng.
d. Nhân rộng mô hình: Hộ Nguyễn Văn An ở xã Xuân Cảnh thị xã Sông Cầu:
Nhận thấy tính ưu việt của công nghệ này, trình độ kỹ thuật của người dân có thể đáp ứng được yêu cầu của quy trình, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư xây dựng ao nuôi kiên cố ( ao lót bạt HDPE, hệ thống điện vận hành ao nuôi đảm bảo liên tục trong suốt vụ nuôi, hệ thống kênh cấp, ao nuôi, kênh thoát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ), nâng cấp, tổ chức nuôi tôm theo công nghệ Biofloc đạt hiệu quả cao, ổn định, tiêu biểu có thể nói đến hộ Nguyễn Văn An ở xã Xuân Cảnh thị xã Sông Cầu. Với 2 ao nuôi, diện tích 0,35 ha ( ao 1: 0,1 ha; ao 2: 0,25 ha ), lượng giống thả 1.220.000 con giống tôm Chân trắng ( ao 1: 320.000 con; ao 2: 900.000 con ), sau gần 3 tháng nuôi thu hoạch 16,5 tấn ( ao 1: 4,5 tấn; ao 2: 12 tấn ), cỡ tôm bình quân 71,5 con/kg ( ao 1: 70 con/kg; ao 2: 72 con/kg ), giá bán bình quân 114.272 đồng/kg ( ao 1: 115.000 đồng/kg; ao 2: 114.000 đồng/kg ), doanh thu đạt gần 1,9 tỷ đồng, trừ chi phí ông còn lãi 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn An cho biết: 
- Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, khi lặn xuống ao để kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, tình trạng hoạt động của tôm, nhận thấy: Trên bề mặt ao là lớp Biofloc ổn định, bên dưới là nước ao nuôi trong sạch, đáy ao nuôi sạch bưng, tôm khỏe mạnh, ăn nhanh hết thức ăn, chóng lớn.
- Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp ( lượng thức ăn sử dụng ít so với sản lượng thu hoạch ), hạn chế lượng đạm trong thức ăn, tôm không hấp thu hết, thải ra bên ngoài làm ô nhiễm môi trường. 
- Khi thu hoạch xong, ao không có mùi hôi thối như trước đây.
Qua các năm giúp người dân áp dụng kỹ thuật mới “ Nuôi tôm theo Công nghệ Biofloc ” thay thế “ Công nghệ nuôi truyền thống ”, chúng tôi nhận thấy: 

Môi trường đang ngày càng xuống cấp, thức ăn tôm lại chứa rất nhiều đạm, nếu quy trình nuôi không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, con tôm không hấp thụ hết lượng đạm này sẽ càng làm ô nhiễm môi trường, nếu sử dụng quá nhiều hóa chất, kháng sinh để xử lý bệnh tôm sẽ gây ra hiện tượng vi khuẩn nhờn thuốc, nghề nuôi tôm đã khó sẽ ngày càng khó khăn hơn, bà con nên áp dụng công nghệ Biofloc để vừa phát triển nuôi tôm vừa làm sạch môi trường để phát triển bền vững. Nếu toàn bộ người nuôi tôm trong vùng đều áp dụng công nghệ này thay thế công nghệ nuôi truyền thống sẽ làm môi trường toàn vùng nuôi trong sạch, các chất bẩn, khí độc, mầm bệnh sẽ được ngăn chặn hoàn toàn, chọn giống sạch ( tôm bố mẹ nên có nguồn gốc từ Hawaii ), tuân thủ sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành, thực hiện tốt quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, khí hậu, thời tiết thuận lợi thì vùng nuôi chắc chắn sẽ phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện tốt Chương trình phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay ■

quy trinh nuoi tom

 

KS. Huỳnh Văn Vũ

Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu