Hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022

21/01/2022 02:17
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thời tiết trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sẽ có nhiều diễn biến bất thường so với các năm khác: Khu vực Duyên Hải Nam Trung bộ, có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 10C. Tình hình thời tiết hiện tại và trong thời gian đến thuận lợi cho các đối tượng sinh vật gây hại cây trồng chính tiếp tục phát sinh, phát triển và có khả năng gây hại trong dịp Tết, nhất là sâu năn, bệnh đạo ôn hại lúa; sâu keo mùa thu hại ngô; một số bệnh hại trên cây rau màu.
Để chủ động trong công tác chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng  trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Công tác sản xuất, chăm sóc cây trồng
Tiếp tục triển khai thực hiện các Văn bản của Sở Nông nghiệp và PTNT: Số 2520/SNN-TTBVTV ngày 9/11/2021 về việc chuẩn bị sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021-2022; số 116/TB-SNN ngày 27/12/2021 về kết luận của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại hội nghị tổng kết sản xuất trồng trọt năm 2021 và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2022.
2. Đối với cây lúa vụ Đông Xuân 2021 -2022
a) Về công tác thủy lợi, tưới tiêu
Các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn và nguồn nước, chất lượng nước phục vụ cho sản xuất, chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi trong giai đoạn đầu năm 2022 để triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả; định hướng, xây dựng các giải pháp sản xuất thích ứng trong điều kiện dịch Covid-19; tập trung chỉ đạo các địa phương (UBND cấp xã, HTXNN) theo địa bàn quản lý cần tu sửa hệ thống kênh mương, hồ đập chứa nước; chuẩn bị tốt các điều kiện để tưới, tiêu nước chủ động trên tinh thần tiết kiệm nước, nhất là các khu vực sử dụng nguồn nước từ hồ chứa, đập dâng, trạm bơm điện; áp dụng biện pháp tưới luân phiên, tiết kiệm nước…
b) Về công tác chăm sóc cây lúa
- Truyên truyền, hướng dẫn và vận động nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón ruộng, cải tạo độ phì, lượng bón 5-10 tấn/ha đã ủ hoai mục; hoặc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh… theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Đồng thời dùng tro bếp để bón ruộng vừa cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây vừa tăng khả năng chống rét cho cây lúa.
- Tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện việc bón thúc lần 1 (8-10 ngày sau sạ), lần 2 (18-20 ngày sau sạ) và lần 3 (lúc có tim đèn); bảo đảm đầy đủ, cân đối, tăng cường bón phân kali; kết hợp với việc cấy dặm, làm cỏ, phòng trừ dịch hại. (lưu ý: Bón phân theo đúng qui trình kỹ thuật, bón cân đối hợp lý, đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ).
- Khi trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp: Ngoài việc bón thúc phân khi trời nắng ấm, giữ ruộng luôn có nước, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá để tăng khả năng chống chịu rét (K-Humate; A-H 502, A-H 503; K-H701, K-H702…).
- Tiến hành khử lẫn (nhổ bỏ cây lúa cỏ, lúa lẫn giống, lúa von, lúa dị dạng, cỏ dại...); áp dụng theo quy trình sản xuất lúa giống nông hộ nhất là với các các ruộng sản xuất lúa giống. Khi cây lúa được 30-32 ngày, có thể tháo cạn nước để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giải thoát khí độc trong đất, kích thích rễ ăn sâu...
c) Về công tác bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây lúa
- Tăng cường công tác dự tính, dự báo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng sinh vật hại. Đẩy mạnh truyên truyền vận động các địa phương triển khai ứng dụng thực hiện Chỉ thị 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT áp dụng chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “Ba giảm ba tăng”, “Một phải năm giảm”, “Công nghệ sinh thái”; tích cực thực hiện các biện pháp diệt chuột thường xuyên, liên tục.
- Tập trung quản lý có hiệu quả các đối tượng gây hại như cỏ dại, chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ; phổ biến các biện pháp diệt cỏ, chuột và ốc bươu vàng để nông dân biết, thực hiện.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu, giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa và các đối tượng sinh vật hại khác để chủ động quản lý và phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Cụ thể là ốc bưu vàng, chuột, sâu năn, bệnh đạo ôn,…
- Các địa phương vận động nông dân thăm đồng thường xuyên trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm điều tra, phát hiện sớm sinh vật hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; cần lưu ý các đối tượng sau:
+ Đối với chuột: Các địa phương hiện nay cơ bản đã gieo sạ xong, hiện tại chuột đã gây hại trên đồng ruộng, để hạn chế chuột gây hại mạnh thời gian đến, các địa phương cần tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp như: Đặt bẫy (Bẫy bán nguyệt, bẫy lồng,…; đánh bả bằng thuốc sinh học, hóa học (nên ưu tiên dùng bả diệt chuột, thuốc ít độc hại). Khi đặt bẫy, bả cần chú ý đảm bảo an toàn cho người và động vật chăn thả. Lưu ý: không sử dụng điện để diệt chuột.
+ Đối với ốc bưu vàng: Ốc bươu vàng đang gây hại trên lúa đại trà và sẽ tiếp tục gây hại trên lúa sạ muộn trong thời gian đến, cục bộ trên chân ruộng trũng sẽ có mật độ cao. Để hạn chế ốc phát sinh gây hại, nên áp dụng biện pháp thủ công: Diệt ổ trứng, nhặt, vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước và tiêu diệt. Khi mật độ cao có thể dùng một số loại thuốc đặc hiệu để phun trừ.
+ Đối với sâu năn: Đề nghị các Trạm Trồng trọt và BVTV tăng cường theo dõi bẫy đèn để dự báo chính xác các đợt muỗi năn ra rộ có khả năng gây hại trên đồng ruộng. Ở những vùng xác định có muỗi năn ra rộ với số lượng lớn, sau khi muỗi năn ra rộ 3 – 5 ngày, có thể dùng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn hoặc thuốc dạng hạt để phòng trừ. Không sử dụng thuốc phòng trừ sâu năn khi lúa trên 35-40 ngày tuổi (vì lúc này sâu năn chỉ gây hại trên dảnh vô hiệu).
+ Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện kịp thời phát sinh của rầy nâu, rầy lưng trắng trên những giống bị nhiễm như TBR1, KD18, OM2695-2, ĐV108,… hoặc ruộng gieo sạ dày.
+ Đối với bệnh đạo ôn: Với điều kiện thời tiết vụ Đông Xuân ngày nắng nhẹ, sáng sớm lạnh có nhiều sương thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển trong thời gian đến. Nếu không phòng trị đạo ôn trên lá kịp thời và hiệu quả bệnh sẽ gây hại nặng, sau đó tấn công trên cổ lá, cổ bông, làm hạt lúa lép lửng, năng suất giảm đáng kể. Để chủ động chăm sóc và phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại cây lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022, các địa phương nên: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, sớm phát hiện bệnh đạo ôn gây hại lúa và tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời, không để bệnh gây hại nặng và lây lan. Đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ giống nhiễm bệnh đạo ôn như: MT10, PY2, IR 17494, OM4900, OM2695-2, OM6976, TBR1, ĐV108,..., sạ dày, bón thừa đạm. Khi bệnh phát sinh, cần giữ nước trong ruộng, khoanh vùng những ruộng có tỷ lệ bệnh cao; huy động lực lượng phun trừ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng) bằng các loại thuốc đặc hiệu trừ bệnh đạo ôn.
+ Ngoài ra, cần quan tâm theo dõi thường xuyên một số đối tượng như: Bọ trĩ, ruồi đục nõn, bệnh khô vằn, thối thân,.... kịp thời phòng trừ khi tỷ lệ hại có xu hướng tăng cao và gây hại nặng.
3. Đối với các loại cây trồng khác
- Cần chăm sóc cây khỏe; tăng cường, bón bổ sung thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh và tăng cường khả năng chống rét. Khi trời giá lạnh và có sương muối, cần phun, tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng trở lại.
- Cần chú ý theo dõi và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây rau, màu như bọ nhảy, bệnh thối nhũn, các loại sâu ăn lá,… Tiếp tục hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại trên cây rau bằng các biện pháp tổng hợp, ưu tiên biện pháp sinh học. 
- Chăm sóc, thu hoạch, cung cấp các loại hoa, cây cảnh, rau màu thực phẩm cho tiêu dùng dịp Tết Nguyên Đán, cần tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
- Đẩy mạnh điều tra phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trên cây màu, chú trọng sâu keo mùa Thu hại ngô, bệnh khảm lá hại sắn, bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm trên cây tiêu và các loại cây công nghiệp khác …
Đề nghị các Trạm Trồng trọt và BVTV tăng cường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã, HTX trong công tác chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2022 đạt hiệu quả./.

Tác giả: CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT
Quảng cáo