Hướng dẫn thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trong Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1/2024, từ ngày 01/3/2024 đến ngày 31/3/2024

05/03/2024 04:43
Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là biện pháp chủ động để ngăn chặn các tác nhân gây bệnh lây truyền vào các các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, mua bán, sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật; đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi. Xác định được tầm quan trọng của hoạt động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Thông báo số 52/TB-UBND ngày 28/02/2024, về việc cấp 7.000 lít hóa chất sát trùng cho các địa phương để triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1/2024” từ ngày 01/3/2024 đến ngày 31/3/2024. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành hướng dẫn vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật
Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc
Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch chuồng trại, trang thiết bị khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn chất thải, cạo, cọ rửa vệ sinh trang thiết bị, môi trường). Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp. Pha chế, sử dụng, bảo quản hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ. Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh. Hiện tại, Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ hóa chất Aiocid, NCN Iodine Plus cho các địa phương.
Đối tượng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
Khu vực có ổ dịch cũ, khu vực bị ô nhiễm, chợ mua bán gia súc, gia cầm sống. Cơ sở, điểm giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật. Khu vực tập kết động vật, sản phẩm động vật, khu tập trung nhiều xác chết động vật. Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật. Khu vực công cộng đường làng, ngõ xóm.
Tần suất thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng
Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý, chôn lấp.
Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt ấp nở.
Cơ sở, điểm giết mổ động vật: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ động vật.
Cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất.
Địa điểm thu gom, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật sau mỗi phiên chợ. 
Phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần vận chuyển.
Cơ sở chăn nuôi động vật tập trung, các hộ gia đình có chăn nuôi động vật: Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại nuôi; quét dọn thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Bố trí hố sát trùng đường đi ra, vào cơ sở chăn nuôi. Vệ sinh tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm của chúng, thức ăn chăn nuôi ... trước khi ra vào cơ sở. Định kỳ vệ sinh khu vực chăn nuôi và thực hiện tiêu độc khử trùng theo các đợt phát động của địa phương.
Tác giả: Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Quảng cáo