Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay diện mạo khu vực nông thôn tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh Phú Yên. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, hạ tầng nhiều vùng nông thôn, miền núi được cải tạo nâng cấp khang trang, hiện đại; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tăng cường sự tin tưởng, đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân.
Xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới giai đoạn 2023-2025
Nông thôn đổi thay, người dân hưởng lợi
Về lại xã Sông Hinh, huyện miền núi Sông Hinh những ngày này chúng tôi được hòa mình vào khung cảnh bình yên, trong lành của núi rừng miền tây nam Phú Yên. Ở đây đang cao điểm thu hoạch cây cao-su. Qua mỗi đêm khai thác trong vườn, sáng sớm hôm sau từng tốp người dùng xe máy chở mủ cao-su tươi đi bán.
Cả xã có 3 điểm thu mua mủ cao-su của các công ty, doanh nghiệp tổ chức tại trục đường chính của xã rất thuận tiện cho bà con. Không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp, đoàn kết của cộng đồng 11 dân tộc đang sinh sống tại đây diễn ra sôi động, nhịp nhàng hằng ngày.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Hinh Nay Y Sét cho biết, hiện tại giá bán mủ cao-su tăng cao gần gấp 2 lần so với các năm trước, người dân rất phấn khởi. “Vui mừng hơn nữa là đảng bộ và nhân dân xã Sông Hinh vừa tổ chức lễ đón nhận quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới”, Nay Y Sét nói.
Người dân xã nông thôn mới Sông Hinh, huyện Sông Hinh, Phú Yên vui mùa thu hoạch cao-su.
Là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Sông Hinh, qua hơn 10 năm triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới, xã Sông Hinh đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay đã bê-tông hóa được 32km các tuyến đường liên thôn, liên xã, ngõ xóm; bảo đảm giao thông không lầy lội vào mùa mưa và xe cơ giới đi lại thuận tiện. Toàn xã duy trì 290ha cao-su, trong đó có 230ha đi vào khai thác. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 1.200 tấn.
Từ chỗ bình quân thu nhập đầu người chỉ 8,3 triệu đồng năm 2010 đến cuối năm 2023 đạt 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 4,56%; có 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 90% số hộ dùng điện thoại, xe máy, tivi. Các phong trào chỉnh trang nhà cửa, tường rào, đường làng ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường, thi đua lao động sản xuất được xem là trọng tâm để phát triển kinh tế góp phần thực hiện thắng lợi chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Theo đồng chí Kso Y Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Sông Hinh, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, các ban ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phân công từng đồng chí đảng ủy viên phụ trách thôn, buôn bám sát vận động cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân trong xã hiểu sâu sắc về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới...
Từ xã đặc biệt khó khăn, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, Phú Yên đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa là địa phương dẫn đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Yên. Địa phương này đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu và tiếp tục thực hiện mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2023-2025.
Đồng chí Đinh Ngọc Sum, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Đồng cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu này, Đảng ủy xã Hòa Đồng đã ra Nghị quyết số 174-NQ/ĐU. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia , Ủy ban nhân dân xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời có hiệu quả các văn bản của cấp trên về xây dựng nông thôn mới từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Về kết cấu hạ tầng của xã có những bước chuyển rõ rệt: hệ thống đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu lưu thông, đi lại của người dân, 100% đường ngõ, xóm được bê-tông hóa không lầy lội vào mùa mưa; hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp, kiên cố hoá bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất; có mạng lưới điện bảo đảm phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trường học, trạm y tế, trụ sở xã xây dựng kiên cố và khang trang. Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Điều đáng biểu dương là thông qua việc vận động, tuyên truyền, người dân trong xã đã tự nguyện hiến hơn 2.300m2 đất, đóng góp 879 ngày công xây dựng các công trình công cộng dân sinh và phục vụ sản xuất. Trong quá trình xây dựng mới kiểu mẫu, xã đã huy động được hơn 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện và các nguồn khác, trong đó, nhân dân đóng góp 369 triệu đồng.
Cũng theo đồng chí Đinh Ngọc Sum, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, trong những năm qua địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tập trung phát triển kinh tế, mở rộng quy mô phát triển kinh tế hộ gia đình, triển khai các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại, duy trì phát triển các ngành nghề của địa phương, tham gia học nghề tạo việc làm có thu nhập ổn định.
Nhờ vậy thu nhập bình quân đầu người được tăng lên, năm sau cao hơn so với năm trước. Qua thống kê, điều tra kết quả thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 là 61,79 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,85%...
Khi ý Đảng hợp lòng dân
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Tây Hòa và Phú Hòa); có 65 /83 xã nông thôn mới; 18 xã nông thôn mới nâng cao (đạt và vượt theo kế hoạch năm 2024).
Toàn tỉnh Phú Yên cũng đã có 19 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 29 vườn được công nhận vườn mẫu nông thôn mới, 3 thôn nông thôn mới thông minh; toàn tỉnh có 253 sản phẩm OCOP (trong đó: 10 sản phẩm OCOP 04 sao; 243 sản phẩm đạt 3 sao).
Tây Hòa là huyện dẫn dầu chương trình xây dựng nông thôn mới của Phú Yên, đến tháng 8/2024 toàn huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục thẩm tra theo quy định (xã Hòa Thịnh và xã Sơn Thành Tây); 1 xã đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục thẩm tra, trình hội đồng thẩm định tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Hòa Đồng). Có 8 khu dân cư kiểu mẫu, 1 khu dân cư thông minh, 1 vườn mẫu, có 30 sản phẩm được công nhận OCOP (tiêu chuẩn 3 sao).
Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay toàn tỉnh Phú Yên có 253 sản phẩm OCOP.
Đồng chí Nguyễn Phương Đông, Bí thư huyện ủy Tây Hòa cho biết, huyện Tây Hòa được công nhận huyện nông thôn mới từ năm 2018, phấn đấu đến 2025 đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Để thực hiện đạt mục tiêu này huyện đã xây dựng Chương trình hành động số 05-CTr/HU, ngày 8/10/2020 của Huyện ủy về nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới; qua đó cả hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã đã tập trung tuyên truyền vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Phương Đông, Bí thư huyện ủy Tây Hòa, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền luôn được phát huy, dân chủ ở nông thôn tiếp tục được nâng lên; ở những nơi xây dựng nông thôn mới thành công thì niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng cao.
100% tuyến giao thông nông thôn xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên được bê-tông hóa, sạch đẹp, khang trang.
Theo đồng chí Ksor Y Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Sông Hinh, từ khi triển khai chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2010. Đảng ủy chỉ đạo triển khai, quyết liệt thực hiện; xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhằm làm thay đổi tư duy nhận thức của nhân dân hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, nội dung triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Được đông đảo nhân dân tham gia và đồng tình hưởng ứng, cùng với sự đầu tư của các cấp nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, tường rào và các công trình phụ để xây dựng kết cấu hạ tầng như: nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, chương trình thắp sáng đường quê...
Về phía Đảng ủy chính quyền luôn thực hiện tốt các chủ trương chính sách được cấp trên hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân từ các nguồn vốn nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (như hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng, cây trồng vật nuôi, phân bón và các vật tư nông nghiệp khác...) được nhân dân tin tưởng, đồng tình...
, Nguồn: Báo Nhân dân