A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn từ chương trình OCOP

Nhân viên HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp sen Đông Hòa đóng tem, nhãn mác các sản phẩm chế biến từ sen.

Chương trình OCOP được xác định là bước đi quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, không chỉ giúp nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương từ làng ra phố mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập và làm đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Thay đổi tư duy sản xuất

Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình, thu mua hạt sen thô về gia công bóc tách vỏ đem bán hạt sen tươi tại các chợ đầu mối, đến nay HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp sen Đông Hòa (TX Đông Hòa) đã đầu tư máy móc, thiết bị, nghiên cứu chế biến ra hàng chục sản phẩm từ sen như: bột hạt sen, trà tim sen, bột củ sen, trà lá sen… để bán ra thị trường.

Chị Phạm Thị Bích Thủy, Giám đốc HTX này cho hay: Năm 2021, khi biết đến Chương trình OCOP, tôi đăng ký tham gia ngay. Với sự hỗ trợ tư vấn của các cơ quan chuyên môn, việc sản xuất, đóng gói bao bì, nhãn mác đến tiếp cận thị trường thay đổi hoàn toàn. Hiện các sản phẩm của HTX đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Ấn Độ, mang lại doanh thu hơn 1 tỉ đồng mỗi năm.

Tương tự, để xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, phát huy thế mạnh của vùng, năm 2021, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) đã đưa sản phẩm nước lau sàn sinh học Đồng Din tham gia Chương trình OCOP và được Hội đồng OCOP tỉnh thẩm định, đánh giá công nhận 3 sao. Tháng 4/2022, HTX tiếp tục đăng ký và đạt thêm 8 sản phẩm OCOP 3-4 sao gồm: trái khóm, bánh khóm, giấm khóm, rượu khóm…

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này chia sẻ: Chương trình OCOP đã giúp HTX tiếp cận với quy trình chế biến chuyên sâu, đầu tư nghiêm túc và hiện tại sản phẩm OCOP của HTX được thị trường đón nhận, giá trị nông sản nhờ đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, không vì thế mà đơn vị dừng lại. HTX vẫn tiếp tục đầu tư nâng cấp các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP để sản phẩm OCOP của tỉnh bằng và vượt các tỉnh bạn, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện tại, HTX đang hoàn thiện những sản phẩm nông sản mới để làm phong phú thêm sản phẩm OCOP mang thương hiệu HTX.

Theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Hòa, việc sản xuất sản phẩm OCOP đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, HTX, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang quy mô lớn. “Hiện các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã và đang triển khai theo quy trình như: VietGAP, GlobalGAP, ISO, HACCP... để sản xuất sản phẩm. Các quá trình sản xuất đảm bảo sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc”, ông Mai Ne cho hay.

Thúc đẩy kinh tế nông thôn

Theo Sở NN&PTNT, ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình OCOP, Phú Yên đã xác định đây là giải pháp quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, các cấp, ngành đã tích cực hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn các địa phương và chủ thể lựa chọn sản phẩm đặc trưng, sản xuất theo tiêu chuẩn, đăng ký tham gia chương trình.

Trong năm 2024, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 13 đợt đánh giá phân hạng cho 122 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao của 44 chủ thể sản xuất; thực hiện hỗ trợ 28.000 tem OCOP cho 28 sản phẩm và hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh cho 127 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao với tổng kinh phí gần 1,3 tỉ đồng. Đồng thời tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối hiện đại, kết nối tiêu thụ sản phẩm…

Theo ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Thông qua đó, các địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Vì vậy, thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện các sản phẩm để tham gia chương trình.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để sản phẩm OCOP phát triển hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, marketing và phát triển thị trường. 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã cho ra đời 377 sản phẩm OCOP chất lượng, uy tín, chinh phục được người tiêu dùng.

“Công tác rà soát, hỗ trợ phát triển ý tưởng sản phẩm mới có tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm OCOP đã được công nhận để duy trì và nâng hạng sản phẩm cần được tăng cường. Đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, để từ đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn tại Phú Yên phát triển bền vững”, bà Thủy nhấn mạnh.

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật