Sử dụng Drone vào phun thuốc vụ Hè thu 2023 tại HTX DVNNTH Hòa Kiến 2
Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư phân bón từ nguồn kinh phí của Phòng Kinh tế TP. Tuy Hoà theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Riêng chi phí phun thuốc bằng drone người dân tham gia mô hình đóng lại cho HTX vào cuối vụ để HTX trả cho Tập đoàn Lộc Trời. Thống nhất 2 lần phun thuốc BVTV như sau: Phun thuốc lần 1 sau sạ 15 ngày phun phòng ngừa trị bọ xít đen với số tiền dân trả 29.000 đồng/500 m2 (thuốc của Tập đoàn Lộc Trời); phun lần 2 phòng trị bọ xít đen, khô vằn, lem lép hạt với số tiền dân trả 43.000 đồng/500 m2.
Theo tính toán của HTX, việc sử dụng drone phun thuốc 2 lần đã giảm chi phí 1,4 triệu đồng/ha so với cách làm của bà con lâu nay. Bà Nguyễn Thị Bích Lập, Chuyên viên Phòng Kinh tế TP. Tuy Hoà cho biết: Nhờ sử dụng các giống lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn và áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa “1 phải 5 giảm”, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất lúa đã cho năng suất lúa mô hình đạt trung bình 78 tạ/ha cao hơn đối chứng 4,7-5,8 tạ/ha. Từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế của 01 ha mô hình đạt 63,7-64,6 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa thường là: 7,2-8,1 triệu đồng/ha.
Bà Võ Thị Hồng Điệp, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật và Trồng trọt TP. Tuy Hoà chia sẻ “Mô hình sử dụng phun thuốc bằng drone hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và cộng đồng; hạn chế thải vỏ chai, bao bì đã qua sử dụng ra môi trường; thuốc phun đồng loạt nên hiệu quả phòng trừ, kiểm soát, ngăn ngừa dịch lây lan hiệu quả”.
Sử dụng Drone vào phun thuốc vụ Hè thu 2023 tại HTX DVNNTH Hòa Kiến 2
Ông Trần Ngọc Thành, Giám đốc HTX tâm sự: Vụ tới, HTX tiếp tục vận động bà con áp dụng bay drone vào các khâu của sản xuất lúa trên toàn xứ đồng và sử dụng giống lúa chất lượng sản xuất, dự kiến đặt tên thương hiệu gạo Triều Sơn của HTX DVNNTH Hoà Kiến 2.