Hoạt động khuyến nông chăn nuôi góp phần giảm phát thải khí nhà kính

02/07/2024 02:17
Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính (KNK) của Việt Nam năm 2016, nông nghiệp đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải KNK toàn quốc, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có lượng phát thải lớn đã được ghi nhận bao gồm: sản xuất lúa nước phát thải khoảng 49,7 triệu tấn CO2e, chiếm 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, khoảng 19% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; sử dụng phân bón và quản lý đất phát thải khoảng 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; đốt tàn dư thực vật gây phát thải 1,6 triệu tấn CO2e, chiếm khoảng 1,6% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Trong số các loại KNK gây biến đổi khí hậu toàn cầu, có 3 loại KNK được ghi nhận phát thải chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là khí các bô níc (CO2), khí mê tan (CH4) và khí ô xít nitơ (N2O).

Nhằm giảm phát thải KNK, ngành nông nghiệp đã đề xuất và áp dụng các giải pháp như: giải pháp chuyển đổi đất lúa và áp dụng tưới tiêu chủ động, giải pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trâu bò và sử dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng khí sinh học, thu gom và sản xuất phân bón hữu cơ, giải pháp quản lý đất và sử dụng phân đạm hợp lý...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Phú Yên đang tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030, cơ cấu lại ngành nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại, quy mô công nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ áp dụng khoa học kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chú trọng phát triển chăn nuôi các đối tượng chủ lực như bò, lợn, gia cầm và đa dạng hóa các vật nuôi chủ lực khác như: trâu, dê, vịt, chim cút và chim yến nhằm tạo ra sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao.

Việc phát thải KNK trong quá trình sản xuất chăn nuôi nhiều nhất là khí mê tan (CH4). Mê tan phát sinh trong quá trình sinh học có trong ruột động vật, tiêu biểu là sự men hóa trong đường ruột, dạ dày của động vật nhai lại, lượng khí thải của vật nuôi – từ phân và chất thải từ dạ dày – chiếm khoảng 32% lượng khí mê tan do con người gây ra, là một trong số các chất khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nguy hại hơn. Khí mê tan tuy không độc trực tiếp nhưng cũng gây nguy hiểm cho con người như: dễ bắt cháy gây nổ, tích tụ quá nhiều sẽ gây ngạt thở, đồng thời còn có khả năng gây nhiễm độc khí CO; là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành ôzôn ở tầng mặt đất, một chất ô nhiễm không khí nguy hiểm và khí nhà kính mạnh.

Để góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững đồng thời giảm lượng phát thải KNK từ hoạt động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã và đang tiếp tục thực hiện các nội dung tập huấn ngay tại hiện trường mang lại hiệu quả thiết thực nhằm tuyên truyền các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã tiến hành tổ chức triển khai thực hiện 25 lớp Tập huấn ngay tại hiện trường về “Kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh (bắp, cỏ, rơm,...) và phối trộn thức ăn cho bò” cho 715 nông dân và 11 lớp Tập huấn ngay tại hiện trường với nội dung “Các phương pháp ủ, sử dụng phân chuồng và phụ phẩm trong nông nghiệp” cho 314 nông dân.

444
Học viên thực hành tại lớp được tổ chức ở xã Xuân Thọ 2 – Tx. Sông Cầu

Đối với lớp “Kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh (bắp, cỏ, rơm,...) và phối trộn thức ăn cho bò” có 4 nội dung chính là: ủ chua thức ăn xanh, ủ rơm với urê, làm bánh dinh dưỡng (tảng đá liếm) và phối trộn thức ăn tinh hỗn hợp sử dụng cho bò (gia súc nhai lại). Về nguyên lý, ủ chua là phương pháp sinh học, là quá trình phân giải đường dễ tan có sẵn trong nguyên liệu thức ăn (nhờ hệ vi sinh vật sẵn có trong tự nhiên hoặc bổ sung) thành axit hữu cơ trong điều kiện yếm khí. Hàm lượng axit hữu cơ tăng, chủ yếu là axit lactic do quá trình sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật làm cho môi trường pH giảm gây ức chế các vi khuẩn gây thối. Khí mê tan phát thải từ bò, chủ yếu do hoạt động phân giải thức ăn của vi sinh vật trong dạ cỏ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi thay đổi chất lượng khẩu phần ăn có thể làm thay đổi lượng khí mê tan phát thải từ đường tiêu hóa cũng như khả năng sản xuất của bò. Sử dụng thức ăn thô xanh ủ chua giúp giảm được khí mê tan do quá trình lên men sẽ tạo ra nhiều propioniate hơn so với việc sử dụng thức ăn tươi sẽ tạo ra nhiều axit acetic là bể cung cấp hydro cần thiết cho quá trình tạo mê tan. Việc sử dụng thức ăn thô xanh chất lượng tốt kết hợp bổ sung thức ăn chế phẩm tạo môi trường dạ cỏ tối ưu, đồng thời ức chế hoạt động của nhóm vi khuẩn sinh mê tan trong dạ cỏ, từ đó giảm sinh mê tan, được cho là lợi thế tác động kép trong việc giảm thải mê tan, đồng thời vẫn duy trì đảm bảo năng suất, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi. Từ đó có cơ sở để thúc đẩy chăn nuôi bò ở nước ta theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

111
Học viên thực hành tại lớp được tổ chức ở thị trấn La Hai – huyện Đồng Xuân
 
Còn đối với nội dung lớp “Các phương pháp ủ, sử dụng phân chuồng và phụ phẩm trong nông nghiệp” với mục đích tái sử dụng lại các phụ phế phẩm trong trồng trọt như rơm ra, thân cây bắp, đọt mía, cây đậu phộng,… kết hợp với phân chuồng từ chăn nuôi (trâu, bò, dê, gà,…) đồng thời bổ sung thêm một số chế phẩm sinh học đem ủ. Ủ để các chất dinh dưỡng hữu cơ, thông qua hoạt động của các loại vi sinh vật khác nhau được phân giải, tạo thành các chất dinh dưỡng mà cây trồng có thể thu hút trực tiếp; tiêu diệt mầm sâu, bệnh, làm giảm khả năng nảy mầm của hạt cỏ; hạn chế khả năng phát sinh, gây hại của các vi khuẩn có hại; giảm trọng lượng phân, giảm chi phí chuyên chở; giảm mùi hôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do thu gom, xử lý, sử dụng chất thải phân chuồng không đúng cách.

333

Học viên thực hành tại lớp “Kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh (bắp, cỏ, rơm,...) tổ chức ở xã An Hòa Hải- Tuy An

Như vậy trong tình hình chăn nuôi gia súc nhai lại ở tỉnh ta hiện nay, việc giảm phát thải khí nhà kính đi cùng với mục tiêu nâng cao năng suất vật nuôi, tăng giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường là một thách thức lớn, không chỉ riêng người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp; sự hướng dẫn, tuyên truyền của Trung tâm Khuyến nông mà còn cần có sự góp phần chung tay của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
 
Tác giả: Lê Thị Duy Đính (tổng hợp)
Quảng cáo