AN TOÀN SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI LỢN NÔNG HỘ ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

29/10/2024 02:15
1. Yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi
Chuồng nuôi phải tách biệt với nhà ở, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa. Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao quanh chuồng nuôi và biện pháp khác để ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi,…).
Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi;
Nên có ô chuồng nuôi cách ly để nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh;
Có khu vực thu gom và xử lý chất thải;
Không xử dụng dụng cụ chăn nuôi chung giữa các ô chuồng;
Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.
2. Yêu cầu về con giống
      Lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.  
3. Thức ăn và nước uống
Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc, và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không cho ăn thức ăn thừa trong máng ăn của đàn lợn đã xuất chuồng hay thức ăn của đàn lợn đã bị dịch bệnh cho đàn lợn mới. Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải bảo đảm an toàn. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn.
4. Chăm sóc, nuôi dưỡng
      Áp dụng phương thức quản lý “cùng vào – cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng;
      Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từn loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển;
      Nên áp dụng phương thức nuôi khô, không sử dụng nước tắm cho lợn. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng chống dịch.
5. Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi
      Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi;
      Trước và sau khi vào, ra khu vực chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giày dép vào hố khử trùng;
      Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng;
      Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
      Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng;
      Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên;
Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
6. Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi
Phương tiện vận chuyển trước và sao khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển;
Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.
7. Xử lý chất thải chăn nuôi
      Chất thải được gom để xử lý phải để cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước;
Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, bằng hóa chất, hoặc xử lý bằng sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định hiện hành của thú y.
8. Quản lý dịch bệnh
Có quy trình phòng bệnh phù hợp từng loại lợn và thực hiện đúng quy trình. Trong trường hợp có dịch, phải khai báo chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch;
Cách ly lợn ốm để có biện pháp xử lý kịp thời, ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định;
Khi xảy ra dịch tại ô chuồng hay cả chuồng nuôi cần tiêu độc, khử trùng tại chỗ;
Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng;
Thực hiện ghi chép và lưu giữ nhật ký chăn nuôi.
Tác giả: Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Quảng cáo