TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG “THÁNG DIỆT CHUỘT” NĂM 2019

18/06/2019 02:55
TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG “THÁNG DIỆT CHUỘT” NĂM 2019
 
Công tác diệt chuột, bảo vệ mùa màng là sự chung tay của nhiều ban ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể phối hợp ngành nông nghiệp và nông dân tổ chức diệt chuột với phương châm: Toàn dân diệt chuột với ý thức tự giác, thường xuyên, liên tục và bằng nhiều biện pháp.
Thực hiện Công văn số 637/SNN-TTBVTV ngày 24/4/2019 của Sở NN&PTNT về việc thực hiện chiến dịch “Tháng diệt chuột” năm 2019, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã triển khai thực hiện chiến dịch “Tháng diệt chuột” trong tháng 5/2019. Thu được kết quả như sau:
- Hầu hết các địa phương thực hiện lễ phát động, ban hành văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tổ chức công tác diệt chuột, trích kinh phí hỗ trợ công tác diệt chuột (tiền công, tiền thu mua đuôi chuột, tiền mua các loại thuốc diệt chuột, bẫy diệt chuột, khuyến khích mọi người dùng thịt chuột hoạt động cổ động, tuyên truyền…). Qua hoạt động này chính quyền các cấp, các đoàn thể và nhất là nông dân đã nhận thức được tác hại của chuột trong cuộc sống từ đó họ có ý thức, chú trọng hơn trong công tác diệt chuột để bảo vệ mùa vụ sản xuất.
- Đoàn thanh niên Chi đoàn TNCS HCM Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tổ chức tuyên truyền bằng xe cổ động để vận động nông dân tham gia diệt chuột tại TP. Tuy Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An và Đông Hòa.

- UBND huyện Tuy An đã tổ chức lễ phát động “Tháng diệt chuột” ngày 13/5/2019 với số người tham gia 127 người. Các địa phương khác cũng đã hướng dẫn nội dung tuyên truyền phòng trừ chuột trên đài phát thanh cấp xã.
- Các huyện TP. Tuy Hòa, Đông Hoà, Tuy An, Tây Hoà, Sơn Hòa, Phú Hoà đã tổ chức phát động ra quân đào bắt chuột và thu mua đuôi chuột với 1.650 người tham gia, số chuột đào bắt (thu mua) là 22.747 con. Các HTXNN sử dụng nguồn kinh phí khuyến nông thu mua đuôi chuột với tổng số tiền là 33.788.000đồng. Ngoài ra, một số lượng lớn chuột được nông dân bắt bằng nhiều hình thức khác như: đào hang, bẫy bán nguyệt, chó săn,… ở các địa phương này không thu mua đuôi chuột nên không thống kê được số lượng.

- Các HTX NN huyện Phú Hòa và Tuy An đã mua 820 kg thuốc diệt chuột sinh học cấp phát cho nông dân hoặc các tổ đội sản xuất để đặt bã ở những nơi thường xuyên bị chuột gây hại, diện tích khoảng 1.842 ha, kinh phí thực hiện 44.510.000 đồng. Qua theo dõi, điều tra trên diện tích sử dụng bã diệt chuột sinh học thì tỷ lệ chuột gây hại lúa rất thấp so với các diện tích khác.
- Một số địa phương quan tâm đến công tác diệt chuột như Phú Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà đã vận động, hỗ trợ mua 167,46 kg thuốc hoá học trộn với lúa, cua, mì tôm… để diệt chuột, phòng trừ diện tích 1.793 ha lúa với số tiền 97.946.000 đồng. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc hóa học đem lại hiệu quả không cao vì chuột đa nghi nên ít ăn mồi, nông dân phải thay đổi mồi thường xuyên và phải có kinh nghiệm trong việc pha trộn mồi và đặt bã mới cho hiệu quả trừ chuột cao. Đồng thời việc sử dụng thuốc hóa học trừ chuột nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nguy hiểm đến các vật nuôi. Do đó, cần thay thế các loại thuốc chuột độc hại bằng các loại thuốc ít độc, thuốc sinh học, các biện pháp khác an toàn cho con người và môi trường, đem lại hiệu quả trừ chuột cao.
Tuy nhiên, việc triển khia các hoạt động trong “Tháng diệt chuột” vẫn còn gặp một số khó khăn:
- Một số địa phương tổ chức lễ phát động ra quân diệt chuột nhưng chưa có nhiều hoạt động phòng trừ chuột sau này làm cho công tác diệt chuột chưa thường xuyên và liên tục.
- Tình hình thời tiết nắng nóng trong “Tháng diệt chuột”, ảnh hưởng đến đồng ruộng khô hạn nên việc đào hang bắt chuột ở các bờ mương, bờ vùng gặp khó khăn.
- Nguồn kinh phí khuyến nông ở một số địa phương, đơn vị còn ít nên các hoạt động được triển còn gặp nhiều khó khăn.
-  Đồng ruộng len lõi ven làng, có nhiều trục đường giao thông đi qua nên công tác đào bắt còn gặp nhiều khó khăn.
-  Công tác diệt chuột chưa được thường xuyên, liên tục.
- Một số nông dân vẫn còn sử dụng điện dân dụng để bẫy chuột.
Để tăng cường công tác diệt chuột trong thời gian đến cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ chuột có hiệu quả cao phù hợp với từng giai đoạn.
- Vận động nông dân diệt chuột thường xuyên, liên tục bằng nhiều biện pháp.
- Thường xuyên, định kỳ điều tra dự tính dự báo tình hình chuột gây hại trên đồng ruộng để kịp thời hướng dẫn người dân phòng trừ./.
 

 
 

Tác giả: CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT
Quảng cáo