Tiêm phòng là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, trở thành một hoạt động không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi. Khi đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, đủ liều các loại vắc xin sẽ tạo miễn dịch chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, bảo vệ sức khỏe vật nuôi, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người.
Thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh số: 257/KH-UBND ngày 20/11/2023 về tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2024; 209/KH-UBND ngày 02/12/2022 về tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đợt II/2023 và đợt I/2024; 212/KH-UBND ngày 05/12/2022 tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng trâu, bò đợt II/2023 và đợt I/2024; 240/KH-UBND ngày 09/11/2023 tiêm vắc xin phòng bệnh dại chó, mèo năm 2024.
Nhằm bảo vệ gia súc, gia cầm khỏe mạnh, khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã triển khai quyết liệt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt I/2024. Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã tiêm được 58.839 liều vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng trâu, bò, chiếm tỷ lệ 55 % so với tổng đàn; 13.025 liều vắc xin phòng bệnh Tụ huyết trùng, trâu bò; 67.500 liều vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm; 55.059 liều vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục (nguồn vắc xin năm 2023); 13.124 liều vắc xin phòng bệnh Dại chó, mèo, chiếm tỷ lệ 47 % so với tổng đàn. Kế hoạch tiêm phòng sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2024, kết thúc đợt chính sẽ tiêm bổ sung nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm thuộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đạt 80 % trở lên so với tổng đàn thuộc diện tiêm.
Các Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với phòng Nông nghiệp/kinh tế tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố kiểm tra giám sát kế hoạch tiêm phòng tại các địa phương; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống các bệnh động vật; lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng nhằm đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Tác giả: Chi cục Chăn nuôi và Thú y