Cứ vào độ cuối năm, từ tháng 12 đến tháng 01 hàng năm, nông dân ở huyện Sơn Hòa lại nhộn nhịp bước vào vụ thu hoạch mía. Đây là thời điểm quan trọng nhất của người nông dân trồng mía sau một năm vất vả chăm sóc. Thời gian này, nếu đi trên đường, sẽ không khó bắt gặp hình ảnh người dân mang vác dụng cụ để chặt mía, những chiếc xe bò liên tục kéo mía để kịp chuyến xe, mía chất đầy hai bên đường, xe tải nối đuôi nhau thành hàng dài để chở mía về nhà máy...
Từng đoàn xe nối đuôi nhau vào nhà máy.
Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, tình hình thu hoạch mía ngày càng rầm rộ. Huyện Sơn Hòa có trên 14.000ha mía, trong đó tập trung chủ yếu tại các xã Sơn Nguyên, Sơn Hội, Cà Lúi, Sơn Xuân, Sơn Phước, Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Hà,… Hiện nay, người dân đã thu hoạch được 30-40% diện tích mía. Những vùng có diện tích lớn như Ea Chà Rang, Sơn Phước năng suất mía đạt từ 80-90 tấn/ha, những vùng có tưới như Sơn Nguyên, Sơn Hà, năng suất có thể lên tới 90-100 tấn/ha. Nhìn chung, đối với mía trồng mới, năng suất đạt từ 80-90 tấn/ha, mía lưu gốc 2-3 năm trở đi đạt 70 tấn trở xuống. Niềm vui được nhân đôi khi giá mía vụ này tiếp tục ở mức cao. So với niên vụ 2022-2023, giá mía năm nay cao hơn 30.000 đồng/tấn, dao động từ 1.200.000 đến 1.330.000 đồng/tấn, sau khi trừ các khoản chi phí thì bà con nông dân vẫn có thể thu về lợi nhuận từ 30-50 triệu/ha.
Bên cạnh sự phấn khởi về năng suất và giá cả thì hiện trạng thu hoạch mía vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: đốt mía để được chặt trước, mía đứng đống còn nhiều, việc áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch còn hạn chế, bà con vẫn còn bốc mía bằng tay, một số nơi có máy bốc mía nhưng tình trạng lẫn tạp chất đất đá gây khó khăn trong khâu sản xuất của nhà máy.
Nông dân đang thu hoạch mía
Năm 2023, Ông Trương Văn Thạch là nông dân ở thôn Tân Bình, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, người có nhiều năm trồng mía, đã nghiên cứu sáng tạo ra máy đầu gắp mía mới loại bỏ tạp chất đất, đá cũng như tăng hiệu quả thu hoạch mía, giảm chi phí sản xuất. Ông Thạch đã sáng tạo, thay thế những chiếc bánh răng ở đầu máy gắp bằng hai con lăn, kết hợp với một sợi dây dù 3 mét móc vào hai đầu con lăn và dây dù nên đầu máy có thể gắp, thả mía dễ dàng, khi gắp mía thì cần có hai người theo phụ, một người gom mía vào sợi dây dù, một người móc dây dù vào con lăn. Tuy với sáng kiến này tốn thêm hai người phụ nhưng so với đầu gắp mía trước đây thì sáng kiến như này sẽ hạn chế được việc dính tạp chất đất đá. Sáng kiến này của ông Thạch đã được hội đồng khoa học nhà máy KCP công nhận sáng tạo thành công và cho phép đưa vào sử dụng từ đầu vụ thu hoạch mía niên vụ 2023-2024.
Nông dân bốc mía bằng tay
Gắp mía lên xe bằng máy gắp mía cải tiến mới
Hiện nay, toàn huyện có 34 máy gắp mía, so với tổng diện tích mía của huyện thì số máy gắp mía như vậy còn quá ít trong khi nhân công ngày càng ít, giá thuê ngày càng cao. Bà con nông dân hy vọng, trong niên vụ 2024-2025 và nhiều vụ tới, nhà máy vẫn thu mua với giá cao như hiện nay, bà con nông dân có tiền đầu tư thêm máy gắp mía để giảm nhân công, tăng hiệu quả thu hoạch mía.
Huyện Sơn Hòa phấn đấu đến năm 2025, mở rộng đầu tư quy mô sản xuất vùng trồng mía nguyên liệu trọng điểm của tỉnh Phú Yên, góp phần đưa sản xuất hàng hóa nông nghiệp lên một bước mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, giúp nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ - Chi cục Trồng trọt và BVTV