Tiếp nối kết quả thực hiện Chương trình IPM các giai đoạn trước đây; trên cơ sở triển khai thực hiện các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/9/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030; số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục) đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh Phú Yên ban hành Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Phú Yên từ năm 2024 -2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là ứng dụng chương trình IPHM giúp người nông dân chủ động trong công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Ngày 11/10/2024, Chi cục đã tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) năm 2024 và kế hoạch triển khai thực hiện năm 2025. Thành phần tham dự Hội nghị gồm có: Lãnh đạo Chi cục; đại diện Trung tâm Khuyến nông; đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo UBND xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh và thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa; đại diện Ban Giám đốc của 11 HTXNN: An Định, Xuân Quang 3, Hợp 1 phường 9, Hòa Kiến 1, Hòa Kiến 2, Tây Hòa An, Hòa Định Đông, Hòa Thành, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Thịnh và Hòa Đồng; các phòng, trạm thuộc Chi cục; và Báo Phú Yên.
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thông tin tuyên truyền
Chi cục đã tổ chức Hội nghị triển khai và in tờ rơi (leaflet) về chương trình IPHM để phát cho bà con nông dân ở các lớp huấn luyện nông dân (HLND), các lớp tập huấn kỹ thuật chuyên môn … Ngoài ra, trong quá trình HLND IPHM, giảng viên các lớp phát động 1-2 đợt/lớp tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng bỏ vào bể chứa.
2. Công tác đào tạo giảng viên
Từ các giảng viên IPM được đào tạo năm 2016, đây là nguồn nhân lực để tập huấn nâng cao TOT-IPM lên TOT-IPHM, tạo nguồn giảng viên TOT-IPHM cấp tỉnh để triển khai các lớp FFS-IPHM. Năm 2024, từ 04 giảng viên TOT-IPHM cấp Quốc gia, Chi cục đã tập huấn nâng cao cho 11 giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM cấp tỉnh, gồm 07 CBKT của Chi cục và 04 CBKT của Trung tâm Khuyến nông.
3. Công tác huấn luyện nông dân
Đây là công tác trọng tâm, được chú trọng hàng đầu trong việc triển khai chương trình IPHM. Chất lượng huấn luyện được quan tâm ở các lớp HLND vì đây là nơi huấn luyện ra nông dân IPHM, đó là những người trực tiếp ứng dụng IPHM trên đồng ruộng.
TT |
Huyện, thị xã, thành phố |
Số lớp |
Số nông dân tham gia |
---|---|---|---|
1 |
Tuy An |
01 |
29 |
2 |
Đồng Xuân |
01 |
30 |
3 |
Tuy Hòa |
03 |
90 |
4 |
Phú Hòa |
02 |
58 |
5 |
Sơn Hòa |
01 |
30 |
6 |
Sông Hinh |
01 |
30 |
7 |
Tây Hòa |
02 |
60 |
8 |
Đông Hòa |
02 |
60 |
Tổng |
|
13 |
387 |
Vụ Hè Thu 2024, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai 13 lớp HLND, huấn luyện được 387 nông dân IPHM trên cây lúa.
Qua 14 tuần huấn luyện, bà con học viên biết cách điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng của mình (tình hình thời tiết, giai đoạn sinh trưởng cây trồng, sinh vật gây hại, sinh vật có ích, …), nắm được các nguyên tắc và biện pháp kỹ thuật trong IPHM, từ đó đưa ra giải pháp đảm bảo sức khỏe cây trồng, nâng cao được giá trị nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng đa dạng sinh học.
II. HIỆU QUẢ VÀ LỢI ÍCH KHI ÁP DỤNG CHƯƠNG TRÌNH IPHM
1. Về kinh tế
Qua đánh giá hiệu quả từ ruộng học tập của 13 lớp HLND IPHM, cho thấy hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế vì ruộng học tập áp dụng theo IPHM có sự đầu tư thấp, chăm sóc đúng kỹ thuật, cho năng suất cao hơn so với đối chứng là ruộng canh tác theo tập quán nông dân, mức chênh lệch trung bình là 5.900.000 đồng/ha.
2. Về môi trường
- Với việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng IPHM đã góp phần bảo vệ lực lượng thiên địch, giữ cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Bên cạnh đó, việc tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
3. Về xã hội
- Với phương pháp huấn luyện của chương trình IPHM đã làm gắn bó hơn giữa giảng viên (CBKT) với người nông dân và với đồng ruộng. Người nông dân được trang bị kiến thức về kỹ thuật canh tác, họ trở thành chuyên gia, từ đó thúc đẩy họ suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo để quyết định những biện pháp kỹ thuật cần tác động trên đồng ruộng của họ và có tinh thần hợp tác, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.
- Trong quá trình học tập, người nông dân tự sáng tác văn nghệ: Thơ ca, diễn kịch, tổ chức các trò chơi… về IPHM và biểu diễn những tiết mục đó để thể hiện cảm xúc của họ về những điều họ đã học được, thấy được và lợi ích thiết thực khi áp dụng vào sản xuất. Chương trình IPHM đã làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người nông dân.
- Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất theo IPHM làm tăng chất lượng nông sản, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
- Thực hiện chương trình IPHM góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đúng theo tinh thần của Đảng, Nhà nước và của ngành nông nghiệp.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Thuận lợi
- Quá trình tổ chức chương trình IPHM được Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện để thực hiện.
- Đội ngũ giảng viên có năng lực, trách nhiệm; kết hợp với sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia lớp học của bà con học viên đã góp phần trong việc tổ chức các lớp HLND IPHM được thành công.
- Được các cơ quan thông tin và truyền thông (báo, đài tại địa phương và Trung ương) tích cực tuyên truyền sâu rộng (Tỉnh có hơn 65% diện tích lúa áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (nongnghiep.vn); Nông dân Phú Yên hào hứng học quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (nongnghiep.vn)).
2. Khó khăn
- Hiện nay, đội ngũ giảng viên ở các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ít, phải tăng cường từ văn phòng Chi cục nên trong công tác nắm bắt tập quán canh tác, điều kiện sản xuất của địa phương còn hạn chế.
- Có những nơi do điều kiện sản xuất còn khó khăn và chính quyền địa phương ít quan tâm nên chương trình khó phát triển.
- Diện tích canh tác của người nông dân manh mún, nhỏ lẻ nên việc triển khai một số biện pháp ứng dụng IPHM còn gặp nhiều khó khăn.
- Hiện nay, phần lớn bà con nông dân là những người lớn tuổi, trong quá trình học tập, việc điều tra, viết vẽ và báo cáo còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng có lớp, thành phần học viên gồm nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau nên đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải có những phương pháp tiếp cận khác nhau để phù hợp hơn.
- Vẫn còn một số bộ phận nông dân chưa thật sự tin tưởng để áp dụng các biện pháp IPHM vào sản xuất, dẫn đến trình trạng lượng giống gieo sạ còn dày, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi chưa thật sự cần thiết, chưa quan tâm nhiều đến công tác cải tạo, bồi dưỡng đất, đốt rơm rạ sau thu hoạch, ....
IV. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NĂM 2025
1. Thông tin tuyên truyền
- Chi cục sẽ tiếp tục in tờ rơi (leaflet) về chương trình IPHM để phát cho đại biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong quá trình triển khai chương trình IPHM, phát cho bà con nông dân ở các lớp HLND, các lớp tập huấn kỹ thuật chuyên môn …
- Tổ chức hội nghị tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 22/01/2024, giai đoạn 2024-2025.
2. Công tác huấn luyện nông dân
Theo Kế hoạch trong năm 2025, Chi cục sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức 26 lớp huấn luyện nông dân IPHM ở cả 02 vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Dự kiến số lượng nông dân được huấn luyện IPHM là khoảng 780 người./.