QUI TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC SẢN XUẤT LÚA THƯƠNG PHẨM
1. CHUẨN BỊ RUỘNG:
Ruộng phải bằng phẳng, đầy đủ ánh sáng, chủ động tưới tiêu, sạch cỏ dại và sâu bệnh, ít bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
2. CHUẨN BỊ HẠT GIỐNG:
a. Chọn giống:
- Giống có nguồn gốc rõ ràng; Chất lượng lô hạt giống đạt tiêu chuẩn theo QCVN 01-54:2011/BNNPTNT
- Dùng giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận.
- Chọn giống có khung thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vùng, địa phương và mùa vụ (vụ Đông Xuân từ 105 – 110 ngày; vụ Hè Thu từ 95-100 ngày)
b. Xử lý hạt giống:
- Phơi lại hạt giống trong nắng nhẹ 2 giờ, sau đó để hạt giống nguội 4-5 giờ.
- Loại bỏ hạt lép lửng.
- Ngâm trong nước sạch từ 20-24h giờ, trong quá trình ngâm phải thay nước, rửa sạch hạt giống từ 2-3 lần trước khi ủ.
*
Phương pháp ủ:
Bao ủ giống phải được giũ sạch, nhúng bao vào nước cho ướt sau đó đổ giống vào, ghi nhãn và ngày/giờ bắt đầu ủ giống, ủ bao và đặt trong điều kiện nhiệt độ thích hợp (khoảng 30-32
oC), giữ cho đống ủ luôn ẩm và không quá nóng, sau ủ 12 -24 giờ, tiến hành đảo giống (ngót giống).
3. LỊCH GIEO SẠ; MẬT ĐỘ VÀ PHƯƠMG PHÁP SẠ:
- Thời vụ gieo sạ: theo đúng lịch thời vụ do ngành nông nghiệp của địa phương khuyến cáo; thông thường:
+ Vụ Hè Thu: Từ ngày 20/5-10/6 (Dương lịch).
+ Vụ Đông Xuân: Từ ngày 15/12-10/01 năm sau (Dương lịch).
- Mật độ gieo sạ: 4-5 kg/sào (500m
2), tương đương từ 80-100 kg/ha.
- Phương pháp sạ: gieo sạ lúa bằng công cụ sạ hàng, sạ vãi bằng tay hoặc bằng máy.
4. KỸ THUẬT LÀM ĐẤT:
a. Cày đất: Tùy vào mùa vụ và điều kiện thời tiết mà tiến hành cày dầm hay cày ải.
b. Diệt cỏ dại, lúa cỏ và lúa nền:
Trước khi gieo 25-30 ngày cho nước vào vừa đủ ẩm để tạo điều kiện cho hạt cỏ, lúa cỏ và lúa nền nảy mầm. Sau khi cỏ dại, lúa cỏ, lúa nền nảy mầm cao khoảng 5-10cm, bừa trục nhận để loại bỏ chúng hoặc có thể sử dụng thuốc cỏ trước khi bừa, trục. (Nếu sử dụng thuốc cỏ sau khi bừa trục phải bơm, thảo bỏ nước trước khi gieo sạ).
d. Bừa-trục, trang phẳng ruộng:
- Tháo bớt nước, chỉ để lại vừa đủ để bừa- trục.
- Bừa trục 2-3 lần cho đất nhuyễn.
- Bừa trục xong kéo trang phẳng mặt ruộng.
- Kéo rãnh thoát nước trước khi sạ: rãnh đủ sâu, có khả năng thoát nước tốt.
5. PHÂN BÓN VÀ KỸ THUẬT BÓN PHÂN:
a. Liều lượng bón:
* Lượng phân bón cho 01 ha:
Phân chuồng 8-10 tấn hoặc phân hữu cơ vi sinh: 500kg .
Vôi bột: 300-400 kg
Phân urê: 220-250 kg
Supelân: 300-400 kg
KaliClorua: 100 -130 kg
Hoặc dùng các loại phân đa lượng chuyên dùng để bón cho lúa, nhưng phải cân đối hàm lượng N-P-K.
b. Thời gian bón:
* Bón lót: - Vôi phải được bón trước khi gieo sạ ít nhất 20 ngày hoặc sau khi cày đất lần 1.
- Toàn bộ phân chuồng + phân lân bón trước khi gieo sạ;
* Bón thúc lần 1: - Sau gieo sạ 8-12 ngày (sau khi lấy nước sánh); Bón 40% lượng phân đạm + 50% lượng Kali.
* Bón thúc lần 2: - Sau gieo sạ 18-22 ngày (sau khi tỉa dặm); Bón thúc đẻ nhánh 35% lượng phân đạm.
* Bón thúc lần 3: - Bón nuôi đòng (khi lúa có tim đèn 1-2 mm ) sau sạ từ 50-55 ngày ở vụ Đông Xuân, từ 45-50 ngày đối với vụ Hè thu; Bón 25% lượng phân đạm va 50% lượng phân kali còn lại. Đối với các giống lúa có bông to, số hạt/bông lớn cần bón thêm:40 kg KCl/ha khi lúa trỗ đều để tăng khả năng nuôi hạt.
6. TRỪ CỎ:
- Tiền nảy mầm: Phun sau sạ 1-3 ngày khi ruộng đủ ẩm.
- Hậu nảy mầm: Phun sau sạ 15-18 ngày, sau phun 3 ngày cho nước vào.
- Luân phiên sử dụng thuốc diệt cỏ và tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.
7. QUẢN LÝ NƯỚC:
Quản lý nước theo qui trình “
ngập khô xen kẽ”.
- Sau khi sạ 7-10 ngày cho nước vào ruộng nhưng không quá 3cm và giữ liên tục cho đến khi bón phân lần 2 (20 ngày sau sạ).
- Giai đoạn cuối đẻ nhánh: (30-35 ngày) khi lúa đã kín hàng hoặc mật độ ruộng lúa đã đảm bảo) rút nước ruộng cạn cho đến khi ruộng nứt chân chim thì cho nước vào 5-10 cm. Mục đích là để diệt chồi vô hiệu và tăng cường khả năng phát triển của bộ rễ và hạn chế đỗ ngã; lặp lại qui trình này cho đến khi bón phân đón đòng.
- Từ khi bón phân đón đòng cho đến lúc lúa trổ đều giữ mực nước ruộng liên tục ở mức 3cm. Sau đó tiếp tục tưới
ngập khô xen kẽ như ở giai đoạn cuối đẻ nhánh
- Khi lúa chín vàng (đỏ đuôi) thì rút khô nước để lúa vào chắc nhanh và thu hoạch bằng cơ giới được thuận tiện.
8. PHÒNG TRỪ SÂU, BỆNH HẠI:
- Sâu, bệnh hại: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (APM, ACM). Trong trường hợp khi áp dụng thuốc trừ sâu bằng phương pháp hóa học, áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách).
- Bệnh hại: Chú ý một số bệnh hại chính như: bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, vàng lá chín sớm, lem lép hạt, đốm nâu…
- Diệt ốc bươu vàng bằng các phương pháp: bắt bằng tay, vịt thả đàn, dùng bả hoặc dùng thuốc hóa học trước khi gieo sạ.
- Sử dụng nguồn giống tốt, sạch bệnh, đúng tiêu chuẩn từ các Trung tâm, Công ty Giống…
- Thường xuyên theo dõi để phát hiện sâu bệnh kịp thời và phòng trị đúng lúc.
- Bón phân cân đối và mật độ sạ hợp lý.
9. PHÒNG TRỪ CHUỘT
Tiến hành diệt chuột bằng phương pháp thủ công, đặt bẫy, bỏ bã trước cày lần 1 và sau khi gieo sạ từ 5-7 ngày. Phòng trừ chuột nên thường xuyên liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa.
10. THU HOẠCH:
Khi số hạt trên bông chín vàng chiếm tỷ lệ 85-90% trên toàn ruộng thì tiến hành thu hoạch. Nên sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch nhằm hạn chế thất thoát và giảm chi phí.
Phơi hoặc sấy cho đến khi ẩm độ hạt giống đạt đến < 14,5%. Không sấy ở nhiệt độ quá cao, tuân thủ qui trình phơi, sấy hợp lý.
Sau khi phơi, sấy đạt đến ẩm độ yêu cầu thì chuyển sang giai đoạn làm sạch, đóng bao và bảo quản.
11. BẢO QUẢN HẠT LÚA:
Mục đích của bảo quản là muốn giữ (duy trì) hạt lúa không bị hư hỏng, giảm chất lượng hạt (hay gạo) trong thời gian dài. Nên bảo quản trong môi trường khô ráo thoáng mát, tránh chuột, bọ gây hại.
Tải về
Tác giả: Trung tâm Giống Nông Nghiệp Phú Yên